Cha mẹ quản lý con trên không gian mạng: Nên hay không?

VHO- Trong thời đại chuyển đổi số, việc tiếp cận Internet là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn luôn cảm thấy lo lắng khi để con mình “tự do” trên không gian mạng.

 

Cha mẹ quản lý con trên không gian mạng: Nên hay không? - Anh 1

 Nhiều phụ huynh cho rằng, việc theo sát con trong quá trình sử dụng Internet là rất cần thiết Ảnh minh họa

 Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh câu chuyện “có nên quản lý con lên mạng hay không?”. Vấn đề này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh cũng như chính các bạn thanh thiếu niên.

Không gian mạng luôn tồn tại 2 mặt tốt và xấu

Mạng Internet giúp các con rất nhiều trong học tập và cuộc sống. Đặc biệt, khoảng thời gian dịch Covid-19 hoành hành, mạng xã hội chính là phương tiện hữu hiệu để mọi người giao lưu, kết nối và sẻ chia. Tuy nhiên, trên thực tế, không gian mạng cũng xuất hiện nhiều rủi ro và cạm bẫy khó lường khi giới trẻ sử dụng quá đà hay truy cập vào các trang web thiếu lành mạnh…

Hiện nay, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, trẻ em có cơ hội tiếp cận với các thiết bị công nghệ từ sớm. Việc quản lý trẻ trên không gian mạng là điều cần phải làm bởi các con chưa có nhận thức đầy đủ cũng như kỹ năng tự bảo vệ mình. Sự quản lý ở đây không phải việc hằng ngày truy cập vào tài khoản mạng xã hội của con để kiểm soát, mà phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện để biết con truy cập, tiếp cận nội dung nào, từ đó định hướng cho con các kỹ năng cần thiết khi tiếp xúc với mạng xã hội.

Ở nhà, tôi thường dạy con cách tiếp thu có chọn lọc, tránh xa những thông tin xấu độc trên Internet như tin giả, tin kích động, video có nội dung bạo lực, nhạy cảm... Tôi đặt nguyên tắc không sử dụng điện thoại di động trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các con sử dụng mạng cho mục đích giải trí… Cá nhân tôi nghĩ, khi bước sang tuổi 18 tuổi, các con có quyền riêng tư trên không gian mạng, bởi lúc này các con đã có thể chịu trách nhiệm với hành động của mình. Còn nếu không, ít nhất đủ 13 tuổi, trẻ em mới nên tham gia vào môi trường mạng nhưng phải có sự chỉ dẫn của cha mẹ.

Chị HẠNH UYÊN (Giáo viên, 47 tuổi, Hà Nội)

Kiểm soát để tránh khỏi “bạo lực mạng”

Không thể phủ nhận những thuận lợi của Internet như học tập, đọc sách, giao tiếp nhanh chóng với gia đình, bạn bè và người quen… Nhưng bên cạnh sự tiện lợi đó thì môi trường mạng ngày nay cũng tiềm ẩn không ít cạm bẫy, rủi ro bởi nhiều đối tượng xấu lợi dụng “mảnh đất màu mỡ” này để truyền bá những thông tin độc hại, có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ.

Dù biết trẻ em hay người lớn đều có quyền giữ sự riêng tư, nhưng chỉ nên trong một chừng mực nhất định, “tự do trong khuôn khổ”. Đặc biệt với trẻ em, các con đều trong độ tuổi tò mò, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, vì thế việc theo sát con trong quá trình sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết.

Hiện nay, trong khi các bậc cha mẹ mải lo chuyện cơm áo gạo tiền, đôi lúc không thể sát sao với con em mình, dẫn đến câu chuyện các con bị rơi vào tình trạng bạo lực mạng lúc nào chẳng biết. Đáng nói, nhiều em chưa đủ nhận thức về sự nguy hiểm mình gặp, nên coi đó là chuyện bình thường, hoặc các em quá sợ hãi, ngại ngùng không dám chia sẻ với gia đình và thầy cô.

Để con được sống trong một môi trường lành mạnh, tôi đã tạo tài khoản mạng xã hội cho con, giữ mật khẩu để thuận tiện theo dõi hành vi sử dụng của con. Tôi cũng dành nhiều giờ phân tích cho con thấy những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội, nếu không tỉnh táo thì sẽ dẫn đến bị “nghiện”, trở nên khó kiểm soát… Và chỉ khi tôi cảm thấy con mình đủ kiến thức và kỹ năng về an toàn trên không gian mạng, tôi mới trao quyền sử dụng cho con mà không có sự can thiệp hay giám sát.

Anh NGUYỄN MAI PHƯƠNG (Kinh doanh tự do, 45 tuổi, Thái Nguyên)

Cha mẹ, người bạn đồng hành cùng con sử dụng Internet

Tôi cho rằng cha mẹ không nên kiểm soát các con mà chỉ nên là người đồng hành trong việc sử dụng mạng xã hội. Hiện các con giỏi hơn cha mẹ rất nhiều, nếu cha mẹ kiểm soát thì các con sẽ cảm thấy vô lý và phản ứng tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ phải thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng học hỏi để đồng hành cùng con. Tuy nhiên, các con cũng cần chia sẻ thành thật để cha mẹ có biện pháp bảo vệ các con tốt hơn, tránh các rủi ro trên mạng như: Lộ thông tin cá nhân, giảm tương tác vận động, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác...

Tôi cho rằng, bố mẹ và thầy cô là 2 nhân tố quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn. Các bậc phụ huynh cũng như những người làm nghề giáo cần trang bị cho trẻ kỹ năng, cách ứng xử, sử dụng mạng xã hội nhằm tránh tình trạng sa ngã vào những “hố đen” đang nhan nhản, chỉ chực “nuốt chửng” người xảy chân. Bên cạnh đó, cũng nên tăng cường trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em. Như vậy, các em mới có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần trong thời kỳ khoa học - công nghệ phát triển mạnh như vũ bão.

Cô TRẦN THỊ THIẾT (Chuyên gia tâm lý học đường, 35 tuổi, Vĩnh Phúc)

Quản lý dựa trên sự đồng thuận từ hai phía

Internet mang lại nhiều cơ hội và nguy cơ đối với trẻ em, vậy nên, phụ huynh cần tham gia và giám sát để đảm bảo rằng con em mình sử dụng không gian mạng một cách an toàn và có ích. Trước khi cho phép trẻ sử dụng mạng xã hội hoặc các dịch vụ trực tuyến, phụ huynh nên thiết lập quy định rõ ràng và tạo ra sự đồng thuận với con. Điều này bao gồm việc đặt giới hạn thời gian sử dụng, quy định về quyền riêng tư và an toàn trực tuyến, các quy tắc về nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, phụ huynh cần trang bị cho con mình kiến thức về an toàn trực tuyến như cách xác định thông tin đáng tin cậy, bảo vệ thông tin cá nhân, tránh tiếp xúc với nội dung xấu độc… Đây là hành trang giúp con tự bảo vệ bản thân và đưa ra quyết định thông minh khi sử dụng.

Không có độ tuổi cụ thể để trẻ có thể được tự do hoàn toàn trên không gian mạng. Mỗi em có sự phát triển và khả năng hiểu biết riêng, do đó, việc cho phép trẻ có quyền riêng tư trên mạng dựa hoàn toàn vào việc đánh giá từ phía phụ huynh. Trong quá trình này, sự giao tiếp và thảo luận giữa hai thế hệ là rất quan trọng

Bạn TUẤN ANH (22 tuổi, chuyên ngành An toàn thông tin, Đại học FPT)

Trẻ em cũng cần sự riêng tư…

Giới trẻ chúng em đang sống trong một môi trường bao quanh bởi công nghệ kỹ thuật số. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hằng ngày đều ảnh hưởng bởi việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, Internet và mạng xã hội. Nó khiến em vui hơn khi chỉ cần ngồi nhà, em cũng có thể hiểu hơn về thế giới xung quanh và tương tác với bạn bè.

Theo em, bố mẹ không nên quản lý quá chặt chẽ con cái mình trên không gian mạng. Hành động này làm mất đi quyền riêng tư và khiến chúng em cảm thấy xa cách với bố mẹ hơn. Bố em thường xuyên yêu cầu em đưa điện thoại để kiểm tra tần xuất sử dụng Internet như nào, trò chuyện với những ai, xem những nội dung, thông tin gì mà em đã truy cập… Nhiều lúc em thấy tủi thân và ấm ức khi bố mẹ không tin tưởng mình.

Em nghĩ rằng, từ 14 tuổi trở lên, chúng em đã có suy nghĩ và ý kiến riêng về các vấn đề, ý thức được bản thân mình nên và không nên làm gì. Đương nhiên, cũng sẽ có một số bạn chưa đủ tuổi, vì thế, em nghĩ đối với những bạn còn quá nhỏ thì phụ huynh cần hướng dẫn con mình cách sử dụng mạng đúng đắn chứ không nên xâm phạm quyền riêng tư như lén coi tin nhắn hay đăng nhập vào các tài khoản mạng khi chưa có sự đồng ý của con.

Em PHÍ MINH TRANG (Học sinh, 14 tuổi, Hà Giang)

 

THANH MAI

Ý kiến bạn đọc